Ngành kỹ thuật Điện tử - Truyền thông: Không lo thiếu việc làm
Ngày 16/06/2020
Nhóm ngành Cơ khí - Điện - Điện tử là 1 trong 10 nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao
Nhóm ngành cơ khí - điện - điện tử là 1 trong 10 nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng nhân lực đều đặn qua các năm và trong tương lai. Trong đó, số lượng việc làm dành cho các kỹ sư điện tử, truyền thông đang ngày càng phong phú cùng với mức thu nhập cao và ổn định
Ngành kỹ thuật điện tử - truyền thông là ngành sử dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến để tạo nên các thiết bị vệ tinh, cáp và thiết bị điện tử như: máy thu hình, điện thoại, máy tính cá nhân, máy tính bảng… nhằm xây dựng hệ thống mạng thông tin liên lạc trên toàn cầu, giúp cho việc trao đổi thông tin giữa con người với nhau diễn ra thuận lợi trong những điều kiện không gian và thời gian khác nhau.
Nghề cho người đam mê công nghệ
Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh về khoa học và công nghệ, trong khi nguồn nhân lực lĩnh vực này đang thiếu hụt. Vì vậy, khối ngành kỹ thuật, điển hình như ngành kỹ thuật điện tử - truyền thông đang là sự lựa chọn hàng đầu của các sinh viên (SV) trẻ, năng động, đam mê công nghệ khoa học kỹ thuật
Theo học ngành này, SV sẽ được đào tạo kiến thức chuyên môn về lĩnh vực điện tử, truyền thông và có khả năng tiếp cận với công nghệ kỹ thuật điện tử tiên tiến như mạng không dây; mạng truyền số liệu; viba số; hệ thống phát thanh - truyền hình; công nghệ phân tích và xử lý tín hiệu, âm thanh, hình ảnh. SV có khả năng tiếp cận, nắm bắt các công nghệ kỹ thuật điện tử tiên tiến và hoạt động của mạng truyền thông hiện đại; đồng thời có khả năng thiết kế, xây dựng, khai thác, vận hành, sử dụng, bảo trì các thiết bị điện tử, thiết bị viễn thông.
Để đảm nhận tốt công việc của một kỹ sư điện tử - truyền thông, bên cạnh chương trình lý thuyết, việc tạo điều kiện cho SV thực hành, thực tập là một trong những yếu tố được các trường ĐH đào tạo ngành kỹ thuật điện tử, truyền thông uy tín đặc biệt chú trọng. Tại những trường ĐH đào tạo ngành kỹ thuật điện tử - truyền thông có uy tín... SV được rèn luyện phương pháp làm việc khoa học và chuyên nghiệp, tư duy hệ thống và tư duy phân tích, các kỹ năng: trình bày, giao tiếp và làm việc nhóm hiệu quả.
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm chuyên viên tư vấn, thiết kế, vận hành, điều hành kỹ thuật tại các đài phát thanh, đài truyền hình… Ảnh: X.Luyện
Nhu cầu nhân lực rất lớn
Ở Việt Nam, ngành công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông đang đóng vai trò quan trọng, tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy nhu cầu về nhân lực trong ngành không bao giờ thừa.
Nhu cầu về thông tin truyền thông của xã hội hiện nay ngày càng trở nên vô cùng quan trọng. Con người trong thế giới hiện đại không thể sống thiếu các thiết bị, phương tiện hỗ trợ thông tin như: các thiết bị thông tin vệ tinh, hệ thống truyền dẫn thông tin quang, di động, phát thanh, truyền hình, điện thoại, máy tính cá nhân, máy tính bảng, máy chủ… Tất cả kết nối với nhau tạo thành mạng thông tin toàn cầu.
Một số liệu thống kê cho thấy hiện nay, tổng số nhân lực của nhóm ngành điện tử, truyền thông và công nghệ thông tin khoảng hơn 50.000 người, dự báo đến năm 2020 sẽ cần lượng nhân lực khoảng 700.000 người. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường TP HCM, nhu cầu nhân lực nhóm ngành nghề này trong giai đoạn 2020-2025 rất lớn, có thể lên đến 16.000 người/năm.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, cho biết SV sau khi tốt nghiệp được các nhà tuyển dụng quan tâm cao và sẽ thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Cơ hội nghề nghiệp bao gồm các công việc vận hành, quản lý, khai thác và thiết kế các mạng điện thoại cố định và di động, mạng truyền dẫn quang, viba, thông tin vệ tinh, phát thanh - truyền hình, mạng thông tin dữ liệu, phân tích và thiết kế các thiết bị thu phát cao tần, các vi mạch số và vi mạch tương tự, vận hành máy móc trong nhà máy chế tạo linh kiện bán dẫn, nhà máy sản xuất thiết bị điện tử; lập trình và thiết kế phần cứng xử lý tín hiệu âm thanh, hình ảnh và tín hiệu đa phương tiện.
(Theo Khánh Linh, Báo Người Lao Động)